5 cách hữu ích để chống nóng cho tầng áp mái
Tại các nước có khí hậu ôn đới, tầng áp mái – khu vực nằm bên trong mái dốc là không gian giữ được sự ấm cúng cho công trình nhà ở. Trong xu thế giao thoa kiến trúc hiện nay, nhu cầu xây dựng tầng áp mái như một phòng ngủ, phòng đọc sách hoặc phòng làm việc trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, thiết kế tầng áp mái thế nào để phù hợp với khí hậu nóng ẩm quanh năm tại nước ta vẫn là trăn trở của nhiều gia chủ. Hãy cùng CITA áp dụng những cách chống nóng tầng áp mái sau đây nhé.
Chống nóng tầng áp mái bằng trần và tường thạch cao
Trần thạch cao là giải pháp phổ biến với khả năng cách nhiệt hiệu quả cho nhiều công trình nhà ở. Dù gia chủ làm hệ thống trần nổi hay trần chìm thì đều có thể sử dụng trần thạch cao như một phương pháp chống nóng tầng áp mái. Khi thi công, gia chủ nên sử dụng thêm một lớp bông thủy tinh bên cạnh trần thạch cao để đạt hiệu quả cách nhiệt cao nhất.
Tương tự như khu vực trần, tại tường nhà hướng Tây hoặc hướng chịu nhiệt trực tiếp, gia chủ có thể thiết kế thêm một lớp thạch cao để giảm nhiệt lượng hấp thụ trực tiếp vào trong. Theo các chuyên gia xây dựng, việc áp dụng tường và trần thạch cao có thể giúp căn áp mái giảm đến 30% hơi nóng của mặt trời.
Chống nóng tầng áp mái bằng tôn cách nhiệt và sơn cách nhiệt
So với tôn thông thường, tôn cách nhiệt giúp gia đình giảm thiểu một lượng lớn điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, loại tôn này còn có khả năng cách âm, hạn chế những tiếng ồn từ ngoài trời như tiếng mưa rơi. Ngoài ra, khả năng chống cháy cũng là một ưu điểm của tôn cách nhiệt. Trên thị trường ngày nay, tôn cách nhiệt có giá thành hợp lý, phù hợp cho nhu cầu xây dựng của nhiều gia đình.
Ngoài tôn cách nhiệt, gia chủ nên sử dụng thêm sơn cách nhiệt cho tường nhà. Theo các nhà sản xuất, sơn cách nhiệt có thể làm mát không gian lên đến 15 độ so với nhiệt độ thực tế ngoài trời.
Như vậy, khi sử dụng kết hợp tôn cách nhiệt, trần thạch cao và sơn cách nhiệt, mối băn khoăn về việc chống nóng tầng áp mái dường như không còn đáng lo ngại nữa.
Chống nóng tầng áp mái bằng mái bê tông dán ngói
Khi sử dụng phương pháp mái kép này, tầng áp mái sẽ có khả năng chống bụi và cách nhiệt hiệu quả. Ưu điểm của mái bê tông dán ngói là chống nóng, chống thấm và tăng cường độ bền vững khi gặp gió bão. Tuy nhiên, loại mái này có chi phí thi công tốn kém hơn các loại khác.
Trong trường hợp chiều cao tầng áp mái không thể đóng trần thì gia chủ có thể lựa chọn cách ốp gỗ trực tiếp lên lớp mái bê tông. Gỗ luôn là loại vật liệu phổ biến có khả năng mang lại cảm giác mát mẻ cho không gian.
Chống nóng tầng áp mái khi thiết kế thêm cửa sổ mái
Cửa sổ mái là một thiết kế được bắt nguồn từ kiến trúc phương Tây, mang đến vẻ đẹp cổ điển và lãng mạn cho căn nhà. Ngoài cửa sổ mái dạng tổ chim cổ điển, ngày nay mẫu cửa sổ mái bằng cửa kính hoặc cửa kính trượt phù hợp với nhiều phong cách thiết kế nhà ở khác nhau. Gia chủ có thể kết hợp thêm rèm che để dễ dàng điều chỉnh độ sáng, tăng hiệu quả chống nóng cho tầng áp mái.
Cửa sổ áp mái nên được thiết kế ở hướng Nam hoặc hướng Đông Nam để đón gió và đối lưu không khí. Ngoài ra, khi tầng áp mái có thêm cửa sổ, không gian bên trong sẽ được nhận đầy đủ ánh sáng tự nhiên.
Chống nóng tầng áp mái bằng hệ thống phun sương, phun nước
Nếu mái nhà làm bằng tôn thì phương pháp phun nước trên mái tôn thường được nhiều gia chủ áp dụng. Đối với không gian bên trong, hệ thống phun sương cũng có thể giúp làm giảm nhiệt độ căn phòng từ 5 – 10 độ C.
Hệ thống phun sương hoạt động theo cơ chế: nước được nén dưới áp suất cao, phun qua những ống vòi được thiết kế đặc biệt và chuyển hóa thành dạng sương siêu mỏng. Hạt sương bốc hơi nhanh sẽ giúp hấp thu nhiệt lượng của tầng áp mái.